Ths.BSCKII Nguyễn Tiến Thành – Thành viên Hội Da liễu Việt Nam vừa tiếp nhận một nam bệnh nhân 25 tuổi, đến khám do bị tổn thương ở mắt và phần cổ bị bỏng rộp. Nam bệnh nhân chia sẻ, sau khi thức dậy, anh bắt đầu xuất hiện những triệu chứng trên, dù đêm ngủ không phát hiện điều gì bất thường. Sau khi vệ sinh, lau rửa phần tổn thương không đỡ, nam thanh niên ra hiệu thuốc và được tư vấn bị zona thần kinh nên mua thuốc bôi ngoài da về điều trị.
Khi dùng loại thuốc này, bệnh nhân thấy triệu chứng càng nặng thêm, ảnh hưởng đến sinh hoạt và cả thị lực của mình nên đã đi khám. Sau khi thăm khám, bác sĩ Thành chẩn đoán bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc do kiến ba khoang.
“Nghe kết luận này, bệnh nhân rất bất ngờ vì cho rằng mình dọn nhà rất sạch sẽ, hơn nữa lại ở chung cư nên miễn nhiễm với các loại côn trùng như kiến, muỗi. Bệnh nhân cho rằng, kiến ba khoang chỉ tấn công các gia đình ở nhà đất, vệ sinh kém hoặc ở gần đồng ruộng”, bác sĩ Thành chia sẻ.
Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành đang thăm khám cho nam bệnh nhân bị kiến ba khoang tấn công.
Theo bác sĩ Nguyễn Tiến Thành, rất nhiều người có suy nghĩ như bệnh nhân trên nên chủ quan và bị kiến ba khoang tấn công, gây tổn thương. Thực tế, kiến ba khoang có thể tấn công con người dù ở nhà đất hay chung cư, thậm chí là cả trong các tòa nhà văn phòng. Do vậy, việc phòng bệnh và xử lý đúng khi tiếp xúc với kiến ba khoang rất quan trọng để tránh tổn thương.
Bác sĩ Thành cho biết, gần đây số ca đến khám do bị viêm da tiếp xúc với kiến ba khoang gia tăng mạnh, nhiều trường hợp bị tổn thương nặng, lan rộng ra nhiều vùng da trên cơ thể, thậm chí là bị lở loét nặng nề. Đáng chú ý, nhiều bệnh nhân trước đó bị chẩn đoán nhầm thành bệnh zona dẫn đến điều trị sai cách bằng acyclovir (thuốc bôi). Một số người còn dùng các loại lá cây để đắp, bôi khiến tổn thương lan rộng và nặng nề hơn.
Theo bác sĩ Tiến Thành, độc tố trong kiến ba khoang rất mạnh (cao gấp 15 lần so với rắn hổ mang). Loài côn trùng này không cắn hay đốt, mà thường chúng ta vô tình tiếp xúc hay cọ vào chất độc (paederin – một hóa chất gây phồng rộp da rất mạnh) từ cơ thể kiến ba khoang nên da bị tổn thương. Chất độc này được phóng ra khi kiến bị tác động hoặc bị chà xát.
Tuyệt đối không dùng tay giết hoặc chà xát kiến ba khoang. Ảnh minh họa.
Khi phát hiện kiến ba khoang, bác sĩ Thành khuyên mọi người tuyệt đối không giết, chà xát chúng bằng tay không. Tốt nhất nên có tờ giấy để kiến khoang bò ra giấy sau đó lấy ra khỏi người. Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát kiến ba khoang trên da thì phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý, xà phòng, tránh đưa tay đã tiếp xúc với kiến chạm vào các vùng da khác. Sau đó đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời, không nên tự điều trị để tránh các biến chứng nặng hơn.
Để đề phòng kiến ba khoang, mọi người nên vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ, giũ mạnh khăn mặt, quần áo, chăn màn trước khi dùng. Trong mùa kiến ba khoang, nên đóng cửa sổ hoặc dùng lưới chống côn trùng để ngăn chặn, kể cả các chung cư cao tầng.