Các bác sĩ đều cho rằng, tập luyện thể dục, thể thao là rất tốt cho sức khỏe, thế nhưng không ít người lại thực hiện theo cách phản khoa học, trong đó có cả những huấn luyện viên.
Thạc sĩ, bác sĩ Đỗ Quốc Phong – Phó khoa Hồi sức tích cực và Chống độc nội khoa (Bệnh viện E) cho biết, cách đây không lâu đã tiếp nhận một bệnh nhân 29 tuổi, người Ấn Độ, là huấn luyện viên thể hình, nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Theo chia sẻ của người bệnh, bản thân vốn là HLV thể hình, cơ bắp cuồn cuộn và sức khỏe dẻo dai nên mỗi lần tập anh thường thể hiện khả năng của mình trước mặt học trò. Trước khi nhập viện, nam HLV này đã tập khoảng 300 lần squat (là những động tác đứng lên và ngồi xuống, tác động trực tiếp lên cơ mông cũng như cơ đùi). Sau tập, bệnh nhân bị đau cơ đùi, hông cũng như hai bắp chân dữ dội, kèm tình trạng tiểu rất ít nên được chuyển tới bệnh viện thăm khám.
Việc tập luyện dù là những môn tưởng chừng nhẹ nhưng nếu quá sức vẫn gây hại cho sức khỏe. Ảnh minh họa.
Tại bệnh viện, HLV này được chẩn đoán bị tiêu cơ vân cấp, sau đó chuyển đến Bệnh viện E để tiếp tục điều trị. Qua thăm khám, bác sĩ Phong cho biết, bệnh nhân có triệu chứng điển hình của tiêu cơ vấn cấp, đó là suy thận, tăng CK máu, vô niệu, tăng chuyển hóa nặng.
Bệnh nhân sau đó được lọc máu 12 ngày liên tục, sau đó có nước tiểu trở lại. Đáng nói, bệnh nhân này khi ra viện vẫn còn tình trạng suy thận mức độ 2a, bị tổn thương cầu thận sau suy thận cấp tính, biến chứng này có thể sẽ theo bệnh nhân cả đời.
Theo bác sĩ Phong, trường hợp này là rất điển hình để cảnh báo cho những trường hợp tập luyện thể thao gắng sức. Do vậy, mọi người dù tập luyện môn thể thao nào, tập luyện ở ngoài trời hay trong nhà cũng cần phải tập ở mức độ vừa phải, không gắng sức.
Sau khi hoạt động thể lực, nếu xảy ra tình trạng đau cơ, chuột rút, mệt nhiều, mạch nhanh, tiểu ít thì chứng tỏ cơ thể đang có vấn đề. Khi có các triệu chứng này, nếu được bù nước, điều chỉnh dinh dưỡng tốt thì cơ thể có thể cân bằng lại chức năng thận, không nguy hiểm đến tính mạng. Ngược lại, nếu chủ quan, tiếp tục tập gắng sức để hoàn thành bài tập hoặc hoàn thành thi đấu sẽ rất nguy hiểm, có thể gây đột tử.
“Thực tế không chỉ tập luyện thể thao, những người làm việc trong môi trường nắng nóng, làm gắng sức cũng dễ gặp tình trạng này. Do vậy, mọi người tuyệt đối không chủ quan, đặc biệt lưu ý các dấu hiệu đã nói trên”, bác sĩ Phong chia sẻ.
Bác sĩ Phong cảnh báo, không chỉ tập luyện mà lao động nặng khiến cơ thể mất nước cũng dễ bị tiêu cơ vân. Ảnh: Lê Phương.
Để phòng bệnh, bác sĩ Phong cho rằng, uống đủ nước là rất quan trọng. Khi hoạt động, tập luyện nặng, cơ thể mất rất nhiều nước, từ đó gây ra tình trạng thiếu hụt khối lượng tuần hoàn của cơ thể và dẫn tới hiện thượng ngất xỉu, tiêu cơ vân, suy thận…
Ngoài ra, bác sĩ Phong cũng cảnh báo, khi hoạt động gắng sức, các cơ phải hoạt động quá nhiều, thiếu khối lượng tuần hoàn sẽ dẫn tới không đủ cung cấp oxy và máu tới các vùng cơ. Điều này sẽ gây ra hiện tượng tổn hại, chết tế bào cơ. Quá trình tế bào cơ bị phân huỷ sẽ tạo ra các chất trung gian lắng đọng tại thận. Khi thận không thể đào kịp sẽ gây ra suy thận cấp.
“Tất cả mọi người đều có thể gặp hiện tượng tiêu cơ vân, suy thận cấp nếu hoạt động gắng sức với cường độ cao. Vì thế, khi vận động thể thao, lao động dùng nhiều thể lực có hiện tượng đau mỏi cơ, mệt nhiều, tụt huyết áp thì cần đến viện ngay để được thăm khám”, bác sĩ Phong khuyên.