Bác sĩ Nguyễn Đăng Quân, Phó trưởng Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho biết bệnh viện vừa tiếp nhận 2 ca sốc phản vệ liên tiếp, trong đó có một trường hợp bị sốc phản vệ sau khi ăn sáng bằng món phở.
Nam bệnh nhân 48 tuổi, được đưa vào viện trong tình trạng khó thở, chóng mặt, buồn nôn, mắt phù, ngứa ngáy toàn thân. Theo chia sẻ của người bệnh, trước nhập viện khoảng 1 tiếng, anh ăn phở vào bữa sáng.
Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán sốc phản vệ độ 3 do thức ăn, trên nền đái tháo đường tuýp 2 và tăng huyết áp 16 năm. Được cấp cứu, điều trị kịp thời, người bệnh đã sớm ổn định.
Những người có tiền sử dị ứng, phản vệ nên thử đồ ăn trước khi sử dụng. Ảnh minh họa.
Sốc phản vệ do thức ăn không hiếm gặp, từng có nhiều trường hợp phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng nặng, đến rất nặng sau khi ăn hải sản, nhộng, hoặc một số loại thực phẩm khác.
Bác sĩ Nguyễn Đăng Quân, Phó trưởng Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho biết, sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng, có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên lạ như thức ăn, thuốc và các yếu tố khác. Phản vệ có thể gây ra các bệnh cảnh lâm sàng khác nhau, thậm chí nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhanh chóng.
Đối với sốc phản vệ do thực phẩm, các chuyên gia cho biết, thành phần chủ đạo gây ra dị ứng thức ăn thậm chí dẫn đến tình trạng sốc phản vệ là các chất protein. Các protein này không dễ bị phân hủy bởi các men phân cắt protein như protease và không dễ dàng bị biến tính bởi nhiệt độ.
Các phân tử protein này kết hợp với các IgE trong dịch tiết, trong máu rồi tiếp tục được gắn với các dưỡng bào, là những tế bào có rất nhiều điểm tiếp nhận với IgE. Sự kết hợp mang tính đồng loạt, mạnh mẽ này đã làm vỡ một số lượng lớn những tế bào dưỡng bào, giải phóng ra một nồng độ cao các chất trung gian hóa học, đặc biệt là các histamin.
Những chất trung gian này bắt đầu gây ra những biến đổi cơ thể, điển như như: giãn mạch khiến sung huyết, phù nề, tiết dịch, nổi mẩn, nổi ban, co thắt cơ trơn khiến đau bụng, buồn nôn, khó thở, kích thích khiến gây ngứa dữ dội mà gãi không thể hết.
Những loại thức ăn có nguồn gốc động thực vật có thể gây sốc phản vệ như: cá thu, cá ngừ, tôm, tép, ốc, nhộng, trứng, sữa, dứa, khoai tây, lạc, đậu nành, các loại hạt và các chất phụ gia…
Để phòng sốc phản vệ do thức ăn, mọi người cần chú ý:
– Nếu có tiền sử dị ứng, hãy luôn mang theo bên mình các loại thuốc giải dị ứng.
– Cần sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, đúng chỉ định.
– Khi ăn đồ ăn lạ, nên thử một lượng nhỏ để xét phản ứng của cơ thể. Chờ sau 24 giờ mới nên ăn lại nếu không thấy hiện tượng gì bất thường. Những người có cơ địa dị ứng rất dễ bị sốc do ăn uống những đồ có chất lạ.
Ngay khi xuất hiện các triệu chứng ở da, niêm mạc (như nóng bừng, nổi ban đỏ ngứa, phù mắt, phù môi, ngạt mũi…); ở hệ hô hấp (như khó thở, thở rít); ở hệ tiêu hóa (như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy) và hệ tim mạch (đau ngực, đau đầu, chóng mặt, ngất, tái nhợt, tụt huyết áp)… người bệnh cần đến khám ngay tại các cơ sở y tế uy tín, tránh để xảy ra trường hợp đáng tiếc.