Viêm da cơ địa ở đầu là tình trạng tổn thương gây khô, ngứa, viêm nhiễm, bong tróc, nứt nẻ ở vùng da đầu và xung quanh đầu. Đây là bệnh lý mãn tính, có liên quan đến yếu tố miễn dịch, di truyền, dễ mắc mà khó điều trị. Bài viết dưới đây sẽ cung cấp các thông tin bổ ích về căn bệnh này và hướng dẫn cách điều trị bệnh hiệu quả, an toàn.
Cách nhận biết viêm da cơ địa ở đầu
Viêm da cơ địa là bệnh lý da liễu mãn tính, đặc trưng bởi các dấu hiệu khô, ngứa, nổi mẩn đỏ, mụn nước, bong tróc và nứt nẻ. Tình trạng tổn thương viêm da này có thể xuất hiện ở bất kỳ vùng da nào trên cơ thể, trong đó có cả vùng da trên đầu.
Triệu chứng viêm da cơ địa ở đầu không chỉ xuất hiện ở vùng da đầu mà có thể lan xuống cả cổ, mặt, vai và ngực. Những dấu hiệu này đôi khi không rõ ràng khiến người bệnh dễ bị nhầm lẫn với các bệnh da đầu khác như nấm, viêm da dầu, gàu… Người bệnh có thể nhận biết bệnh dựa trên 1 số triệu chứng sau:
- Xuất hiện các mảng da đỏ tại chân tóc, vùng da ở gáy, trán và phía sau vành tai.
- Da khô, đổi màu, bong tróc và gây ngứa ngáy dữ dội
- Rụng tóc
- Một số trường hợp có thể khiến da bị nhờn dính, sáp hoặc phồng rộp. Nếu bị nhiễm trùng, vùng da này có thể xuất hiện các vết loét, nổi mẩn đỏ, sưng tấy, chảy dịch hoặc mủ, máu.
Khi nào cần đi gặp bác sĩ?
- Xuất hiện các vết trợt loét đổi màu do nhiễm trùng, chảy nhiều dịch, mủ màu vàng, đặc, có mùi hôi nhẹ
- Trẻ em và người lớn bị viêm da cơ địa ở đầu kém ăn, sút cân, mất ngủ do ngứa nhiều hoặc các triệu chứng khác.
Nguyên nhân gây bệnh do đâu?
Nguyên nhân gây bệnh viêm da cơ địa nói chung và viêm da cơ địa ở đầu nói riêng hiện nay vẫn chưa được khoa học xác minh cụ thể. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng, có một số yếu tố có thể khiến bệnh bùng phát hoặc tiến triển nặng hơn. Đó là:
- Di truyền: Hơn 80% các trường hợp cha mẹ mắc bệnh viêm da cơ địa ở đầu có con cái mắc bệnh. Tỷ lệ này có thể giảm xuống dưới 60% nếu chỉ có cha hoặc mẹ mắc bệnh.
- Suy giảm hệ miễn dịch: Suy giảm hệ miễn dịch do bệnh tật là điều kiện thuận lợi để các tác nhân gây bệnh dễ dàng tấn công.
- Thay đổi nội tiết tố: Dùng thuốc, mang thai, sinh con… có thể làm thay đổi nội tiết tố. Điều này có thể là nguyên nhân gây bùng phát một số bệnh lý liên quan đến miễn dịch trong đó có viêm da cơ địa.
- Dị ứng xà phòng, mỹ phẩm: Các loại dầu gội đầu, kem xả, ủ tóc, gel vuốt tóc, thuốc nhuộm, thuốc tạo kiểu tóc… có thể chứa một số hóa chất độc hại. Những hóa chất này có thể kích thích phản ứng dị ứng, viêm ở một số cá thể có cơ địa mẫn cảm.
- Thời tiết: Thời tiết thay đổi, nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh có thể khiến hệ miễn dịch của làn da vùng đầu suy giảm, tạo điều kiện bùng phát bệnh.
- Sinh lý da: Cấu trúc làn da của bạn có thể thuộc nhóm da dầu, da khô hoặc da hỗn hợp. Nếu da vùng đầu quá khô hoặc quá nhờn, đó có thể là điều kiện hình thành bệnh viêm da cơ địa ở đầu.
- Yếu tố khác: Dùng thuốc, mồ hôi, vệ sinh kém, bệnh tật…
Các phương pháp điều trị viêm da cơ địa trên đầu
Viêm da cơ địa ở đầu là bệnh lý liên quan đến miễn dịch và di truyền. Hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị triệt để, hoàn toàn do chưa xác định được nguyên nhân chính xác. Với mức độ nặng nhẹ khác nhau của bệnh, người bệnh có thể áp dụng một số phương pháp điều trị dưới đây:
Điều trị viêm da cơ địa trên đầu bằng tây y
Tùy vào từng trường hợp cụ thể, các bác sĩ có thể tư vấn cho người bệnh 2 phương pháp điều trị viêm da cơ địa. Đó là dùng thuốc và liệu pháp ánh sáng.
Dùng thuốc
Các trường hợp viêm da cơ địa ở đầu có thể được điều trị bằng thuốc bôi và thuốc uống theo hướng dẫn và liệu trình cụ thể. Một số thuốc điều trị viêm da cơ địa trên đầu được sử dụng phổ biến như:
- Thuốc chống viêm Corticoid: Mometasone, Betamethasone, Dexamethason, Clobetasol… có tác dụng chống viêm, giảm ngứa, giảm sưng đỏ, bong tróc… Thuốc được dùng dạng bôi hoặc uống tùy vào mức độ nặng của bệnh.
- Thuốc kháng Histamin H1: Loratadin, Cetirizin, Desloratadine… có tác dụng ức chế hoạt tính của Histamin – chất trung gian hóa học gây ngứa.
- Thuốc bôi ức chế miễn dịch: Tacrolimus, Pimecrolimus… có tác dụng ức chế và điều hòa miễn dịch, từ đó làm giảm các triệu chứng viêm, ngứa. phát ban, sưng tấy… Thuốc có tác dụng tương tự Corticoid nhưng không gây teo da, mỏng da, rậm lông.
- Thuốc uống điều hòa miễn dịch: Methotrexate, Cyclosporin,… được dùng dạng uống trong các trường hợp bệnh nặng.
- Kháng sinh và thuốc chống nấm: Được sử dụng trong các trường hợp có bội nhiễm vi khuẩn hoặc vi nấm. Các thuốc chống nấm có thể gây nhiều tác dụng phụ nguy hiểm, vì vậy chỉ sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ.
Ngoài ra, người bệnh có thể được tư vấn sử dụng một số dầu gội chứa hoạt chất kháng sinh, chống nấm, chống viêm nhằm mục đích hỗ trợ điều trị như nizoral, Head & Shoulders, Selsun… Việc sử dụng các loại dầu gội này cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ hoặc nhà sản xuất, không nên lạm dụng vì có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe.
Lưu ý: Hầu hết các loại thuốc tây chữa viêm da cơ địa ở đầu đều có thể gây ra những tác dụng phụ nguy hiểm, đặc biệt là các thuốc tác động lên miễn dịch. Do vậy, trong quá trình điều trị bằng thuốc Tây, người bệnh cần tuyệt đối tuân thủ các chỉ định về liều lượng và cách dùng của bác sĩ. Không tự ý đổi thuốc, tăng liều hoặc ngừng thuốc khi không có sự đồng ý của bác sĩ.
Liệu pháp ánh sáng (quang trị liệu)
Là phương pháp sử dụng ánh sáng tự nhiên hoặc nhân tạo (có kiểm soát) để làm cải thiện tình trạng viêm, sưng, mẩn đỏ, và ngứa trên vùng da bị bệnh. Phương pháp này cho hiệu quả nhanh chóng nhưng không kéo dài. Ngoài ra, sử dụng liệu pháp ánh sáng có thể gây rụng tóc, làm tăng nguy cơ ung thư da. Vì vậy, các bác sĩ chỉ cân nhắc sử dụng trong các trường bệnh nặng, mãn tính hoặc không đáp ứng với thuốc điều trị.
Cách chữa viêm da cơ địa ở đầu bằng mẹo dân gian
Với các trường hợp viêm da cơ địa nhẹ, mới tiến triển, người bệnh có thể áp dụng một số biện pháp dân gian như:
- Gội đầu với lá ổi: Rửa sạch một nắm lá ổi, vò nát rồi đun sôi cùng 3 lít nước trong khoảng 5 phút. Đổ nước ra chậu sạch, pha thêm nước lạnh đến nhiệt độ vừa phải rồi tiến hành gội đầu. Ủ thêm 5 – 0 phút rồi xả lại với nước sạch.
- Gội đầu với tinh dầu tràm: Nhỏ vài giọt tinh dầu tràm vào nước ẩm. Hòa tan rồi dùng nước này để gội đầu. Chỉ sử dụng cách này khoảng 2 lần mỗi tuần. Tinh dầu có thể gây kích ứng cho mắt, miệng khi tiếp xúc trực tiếp nên cần lưu ý trong quá trình thực hiện.
- Cách chữa viêm da cơ địa ở đầu với lá trầu không: Rửa sạch 1 nắm lá trầu không, vò nát rồi rồi đun cùng nước sôi. Dùng nước này để gội đầu tương tự như cách sử dụng lá ổi.
- Bài thuốc từ lá lốt: Chuẩn bị một nắm lá lốt tươi, rửa sạch và vò nát nhẹ. Cho lá lốt vào đun cùng 3 lít nước trong khoảng 20 phút rồi tắt bếp. Dùng nước này để gội đầu, có thể lấy bã lá lốt chà nhẹ lên vùng da cần điều trị. Thực hiện kiên trì bài thuốc bằng lá lốt này mỗi ngày để đạt được hiệu quả tốt nhất.
- Massage bằng mật ong: Pha loãng mật ong với nước ấm theo tỷ lệ 1:9. Dùng hỗn hợp này thoa đều lên vùng da đầu bị viêm da cơ địa trong khoảng 2 – 3 phút. Sau đó rửa lại bằng nước sạch. Thực hiện liên tục trong khoảng 4 tuần để nhận thấy sự cải thiện tốt nhất.
Lưu ý: Trong quá trình sử dụng, cần làm sạch các nguyên liệu và không chà xát, cào gãi mạnh trong thời gian gội đầu vì có thể làm trầy xước da, tăng nguy cơ nhiễm trùng.
Các mẹo dân gian sử dụng các nguyên liệu tự nhiên nên khá an toàn, tiết kiệm và phù hợp với nhiều đối tượng. Tuy nhiên, người bệnh chỉ nên sử dụng phương pháp này trong trường hợp bệnh nhẹ để hỗ trợ cải thiện triệu chứng. Không dùng để thay thế thuốc chữa bệnh, đặc biệt là trong các trường hợp bệnh vừa và nặng.
Các bài thuốc Đông y chữa viêm da cơ địa ở đầu
Theo các tài liệu y học cổ truyền, viêm da cơ địa là hệ quả quá trình xâm nhập của phong hàn, nhiệt độc và tà khí uất kết, tích tụ độc tố dưới da. Tình trạng này sẽ trở nên nghiêm trọng và khó chữa hơn khi cơ thể suy nhược, can thận suy giảm chức năng điều hòa khí huyết và thải độc.
Từ đó, đông y chỉ ra rằng, để khắc phục triệt để viêm da cơ địa ở đầu cần tập trung điều trị bệnh từ gốc, loại bỏ căn nguyên, điều hòa chức năng can thận, cân bằng âm dương, sau đó kết hợp đẩy lùi triệu chứng. Với cách chữa này, hiệu quả chữa bệnh viêm da cơ địa ở đầu sẽ được triệt để và kéo dài hơn.
Một số bài thuốc Đông y điều trị viêm da cơ địa ở đầu hiệu quả người bệnh có thể tham khảo như:
Bài thuốc uống: Sử dụng các vị bồ công anh, hoàng cầm, tang bạch bì, kim ngân hoa, kinh giới… đun sôi cùng với nước sạch và uống mỗi ngày 2 – 3 lần.
Bài thuốc gội: Rửa sạch dâu tằm, trầu không, ô liên rô… đun cùng nước rồi dùng để gội rửa da đầu hàng ngày.
Bài thuốc bôi ngoài: Sử dụng lá trầu không, củ nghệ, củ ráy dại, cây sơn, trúc diệp… bôi trực tiếp hoặc nấu thành cao để bôi, massage lên da đầu.
Chăm sóc và phòng bệnh như thế nào?
Do chưa tìm được phương pháp điều trị triệt để nên viêm da cơ địa có thể tái phát nếu gặp điều kiện thuận lợi. Để phòng tránh tình trạng này và hạn chế các biến chứng có thể xảy ra trong quá trình điều trị viêm da cơ địa, người bệnh cần lưu ý một số vấn đề sau:
- Chỉ dùng thuốc tây, bao gồm cả thuốc bôi và thuốc uống khi có sự chỉ định của bác sĩ. Khi điều trị cần tuyệt đối tuân thủ các hướng dẫn sử dụng thuốc về liều lượng và thời gian sử dụng để tránh các biến chứng, tác dụng không mong muốn có thể xảy ra.
- Tránh cào gãi, chà xát mạnh lên vùng da đầu bị viêm ngứa để hạn chế nguy cơ nhiễm trùng.
- Cân nhắc khi lựa chọn các sản phẩm gội đầu, chăm sóc tóc trong thời gian điều trị. Nên tham khảo ý kiến chuyên gia về các sản phẩm có thành phần tự nhiên, không chứa chất bảo quản và hóa chất độc hại, có thể gây cản trở hiệu quả điều trị bệnh.
- Không nhuộm tóc, tạo kiểu tóc trong thời gian điều trị viêm da cơ địa ở đầu.
- Tránh sử dụng nước quá nóng để gọi đầu. Sau khi gội nên hạn chế sấy tóc nóng.
- Xây dựng chế độ ăn uống hợp lý, bổ sung các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất, tăng cường rau xanh và trái cây tươi để nâng cao sức đề kháng cho da.
- Tránh các loại thực phẩm dễ gây dị ứng, đồ ăn chiên xào, nhiều dầu mỡ, đường muối, thực phẩm đóng hộp. Hạn chế tối đa việc sử dụng chất kích thích như rượu bia, cà phê, thuốc lá…
- Cân bằng thời gian nghỉ ngơi, sinh hoạt và làm việc hợp lý, tránh căng thẳng, stress quá mức vì có thể làm bệnh nặng hơn.
- Vệ sinh cá nhân, vệ sinh thân thể sạch sẽ nhưng không quá lạm dụng xà phòng, dầu gội tẩy rửa.
- Không đội mũ chật, nóng, bí, kém thoáng mát, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết nóng bức.
Trên đây là những thông tin cơ bản về nguyên nhân, cách nhận biết và điều trị bệnh viêm da cơ địa ở đầu. Hi vọng với những thông tin này, người bệnh có thể hiểu hơn về căn bệnh này và biết cách xử lý đúng cách, hiệu quả và an toàn khi bản thân hoặc người thân mắc bệnh.
XEM THÊM:
- Bị Viêm Da Cơ Địa Ở Mặt, Môi – Cách Chữa Không Để Lại Sẹo
- Viêm Da Cơ Địa Ở Chân: Nguyên Nhân, Dấu Hiệu & Cách Điều Trị